BARU VI SINH
NÂNG TẦM NÔNG NGHIỆP SẠCH
img

Bạn không chỉ là bạn và vai trò của vi sinh vật

Ngày đăng: 26/11/2021

Bạn không chỉ là bạn và vai trò của vi sinh vật

Tổng hợp từ PLOS

Những phát hiện mới về vi sinh vật tồn tại trong cơ thể người đang dấy lên một cuộc tranh luận mang tính khoa học và triết học: mỗi người có phải là mình, một cá thể đơn lẻ, độc nhất vô nhị?

Một trong những câu hỏi quan trọng mà không chỉ tôn giáo, các triết gia đông tây kim cổ, giới khoa học mà còn mỗi người thường đặt ra là: Tôi là aitôi từ đâu đến.

Thoạt đầu, con người nghĩ mình là một phần của tự nhiên,một sản phẩm của Tạo hóa. Rồi cùng với sự phát triển của xã hội và những thành tựu khoa học, chủ nghĩa cá nhân ra đời khẳng định mỗi người là một cá nhân riêng lẻ đơn nhất gắn bó với tôicủa tôi. Cái làm tôi và bạn khác biệt với nhau – các nhà khoa học nói – về mặt sinh học là nhờ não bộ, hệ miễn dịch và bộ gene. Về mặt xã hội, là do hoàn cảnh xuất thân, ý chí cá nhân, những cuốn sách mà bạn đọc, cha mẹ, các thầy cô và những người mà bạn giao tiếp nhiều nhất …

Năm 1960, một nhà nghiên cứu miễn dịch người Australia tên là Sir Frank MacFarlan Burnet đã giành giải Nobel. Công trình của ông chứng minh rằng hệ thống miễn dịch đã giúp phân biệt bạn với những gì không phải là bạn. Chẳng hạn như hệ miễn dịch lập ra một hàng rào ngăn cách chúng ta khỏi các mầm bệnh, virus và vi khuẩn gây bệnh.

Các nghiên cứu về di truyền học và sự khám phá ra DNA của Watson và Crick là cơ sở khoa học cho ý tưởng về tính cá thể của không chỉ con người mà còn động vật nói chung.

Tuy nhiên, điều này không còn đứng vững nữa, ít nhất về mặt sinh học, trước những phát hiện mới của ngành vi sinh học non trẻ.

Trong hơn 70 nghìn tỷ tế bào trên người bạn, theo các nghiên cứu khoa học thì có đến một nửa là tế bào của vi sinh vật, nhưng vì tế bào của vi sinh vật nhẹ hơn tế bào người nên nếu bạn cân nặng 60kg thì trong đó các vi sinh vật ước tính nặng 12-15kg. Và khái niệm holobiont (đơn vị  sinh thái) gồm vật chủ là các vi sinh vật cộng sinh ra đời. Nói như  vậy, bạn và con cún của bạn và cây thông ngoài sườn đồi hay rạng san hô dưới đáy biển đều là một holobiont, tức là một đơn vị sinh thái.

Hiện nay có rất nhiều bằng chứng cho thấy sự sống của con người phụ thuộc cả vào quần thể vi sinh vật đang cư trú trên cơ thể chúng ta.

 

Con người và vi sinh vật  (megaorganism)

Các vi sinh vật cũng có thể sản sinh ra các chất dẫn truyền thần kinh như dopamin, nguồn gốc của cảm giác hạnh phúc của chúng ta, Thomas Bosch, giáo sư động vật học tại Đại học Kiel, Đức giải thích.

Đã có những nghiên cứu bước đầu chỉ ra sự mất cân bằng trong hệ vi khuẩn đường ruột có liên quan đến các hành vi của vật chủ và một số bệnh nhất định, như bệnh Parkinson, Alzheimer's, dị ứng, chứng tự kỷ, bệnh trầm cảm và một số bệnh tự miễn dịch.

"Những gì từng được xem như là một phần của bản thân con người, hóa ra lại có nguồn gốc từ vi khuẩn, thứ từng bị coi là không phải bản thân chúng ta”, giáo sư Bosch nói.

Những khám phá mới trong nghiên cứu về hệ sinh sinh vật người, theo giáo sư Rees, là "một lời thỉnh cầu triết học và nghệ thuật hãy suy nghĩ lại về con người chúng ta".

Đối với khoa học, những công nghệ tiên tiến nhất như chỉnh sửa gene với CRISPR-Cas9 cũng cần được đánh giá lại trong bối cảnh có sự tham gia của các vi sinh vật.

"Những bộ gene đan xen vào những bộ gene”, như giáo sư Bosch nói. Cơ thể chúng ta không chỉ tồn tại bộ gene của con người, mà còn của các vi sinh vật sống trên đó.

Khi chúng ta nhìn vào thực tế rằng hệ vi sinh vật trên cơ thể ảnh hưởng đến não bộ, hệ miễn dịch và bộ gene của chúng ta, đột nhiên, thật khó để định nghĩa được một cá thể người tách biệt. "Người ta đã từng nghĩ về bản thân mình là con người, với tư cách là một cá thể, tách biệt và bị giới hạn, nhưng bây giờ thì không”, giáo sư Rees nói.

Ông và các đồng tác giả bài báo khoa học mới cho rằng định nghĩa về một cá thể con người phải linh hoạt hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ ban đầu. Theo đó, mỗi con người chúng ta là cả một cộng đồng sinh vật sôi động chứa 1 con người và hàng nghìn tỷ vi sinh vật. Các tác giả gọi “con người” đó là "megaorganism", một siêu tổ chức, siêu cơ thể.

 

Con người cùng với vi sinh vật ở miệng, đường ruột và trên da được cho là một holobiont (đơn vị sinh thái)

Tuy nhiên giả thuyết trên chưa đạt được sự đồng thuận của tất cả giới khoa học. Đó là câu hỏi còn bỏ ngỏ, đòi hỏi những nghiên cứu sâu và toàn diện về con người cả về mặt sinh học lẫn xã hội học. Nhưng trong khi chờ đợi lời giải tiệm cận với sự thật, rất khó để bất cứ ai phủ nhận vai trò của vi sinh vật đối với con người.

Và như vậy như một nhà khoa học đã nói “Con người không chỉ là con người.”

Mời các bạn đón đọc những bài sau triển khai đề tài này.