"Kỷ Nhân sinh'': Khi con người tạo ra một thời đại địa chất mới
Nguồn: RFI
Lời tòa soạn: Từ ít năm gần đây, trong giới khoa học phổ biến một khái niệm về Anthropocène, tạm dịch là “Kỷ nguyên Nhân sinh mới” để ghi nhận một kỷ nguyên địa chất mới, kỷ nguyên mà các hoạt động của con người ghi dấu ấn hết sức sâu đậm lên Trái Đất. Quan niệm “Kỷ nguyên Nhân sinh mới” giúp cho chúng ta hiểu được gì thêm về những hiểm họa lớn đối với nhân loại chúng ta hiện nay, trước nhiều biến đổi khí hậu vượt khỏi tầm kiểm soát, đe dọa nghiêm trọng sự sống còn của nhân loại trên hành tinh?
Theo quan niệm thông thường, lịch sử thế giới tự nhiên và lịch sử xã hội con người là hai lĩnh vực hoàn toàn tách biệt. Lịch sử biến đổi của Trái Đất, của thế giới tự nhiên, thế giới sinh vật là lịch sử với các giai đoạn được phân ra theo các thời kỳ có bước đi hàng triệu, hàng chục triệu năm..., còn lịch sử xã hội con người chỉ mới bắt đầu tương đối gần đây, với thước đo là năm tháng, là thập kỷ hay thế kỷ. Tuy nhiên, những tác động lớn lao do cuộc cách mạng công nghiệp, khởi nguồn từ Châu Âu lan rộng khắp hành tinh sau đó, làm thay đổi toàn bộ diện mạo Trái Đất, ảnh hưởng mạnh mẽ đến môi trường khí hậu, đã làm biến đổi một cách hết sức kinh khủng dòng lịch sử của chính Trái Đất – cái nôi của sự sống, của xã hội con người.
Tình huống chưa từng thấy và khó dự đoán này thách thức những quan niệm về xã hội hiện đại, vốn được coi là bất di bất dịch, về mô hình phát triển, về cách thức chung sống trong xã hội... Quan niệm "Kỷ Nhân sinh mới" ra đời là dấu hiệu cho thấy những liên kết giữa các khoa học khác nhau về Trái Đất, về xã hội, và những giải pháp mà con người đang tìm kiếm và thực thi để bảo vệ môi trường. Cuốn sách L’événement Anthropocène (Kỷ nguyên nhân sinh mới) ra đời cuối năm 2013 của hai nhà nghiên cứu khoa học Pháp giúp chúng ta nhìn sâu hơn về 2 thế kỷ từ khi công nghiệp hóa ra đời, tranh đấu hay suy tàn của những quan niệm khác nhau về mối quan hệ giữa hoạt động con người với môi trường tự nhiên đã làm thay đổi hành tinh xanh của chúng ta như thế nào.
Tác giả Christophe Bonneuil giải nghĩa thuật ngữ Anthropocène : “Đây là một từ gốc Hy Lạp cổ. “Kainos” là cái mới, còn “Anthropos” có nghĩa là con người, nhân loại. Như vậy, anthropocène là một kỷ nguyên mới với vai trò nổi trội của con người, bởi các ảnh hưởng của con người đến Trái Đất. Chúng ta ở vào một thời kỳ mà con người kiểm soát việc tạo ra 90% “sinh khối”, 90% các hệ động thực vật được tạo ra trong các không gian ít nhiều do con người kiểm soát. Chúng ta ở trong kỷ nguyên con người làm biến đổi khí hậu. Từ đó gây ra khủng hoảng về đa dạng sinh học, tức là cuộc hủy diệt các giống loài. Đây là cuộc đại hủy diệt lần thứ sáu kể từ khi sự sống xuất hiện trên Trái Đất. Điều này chưa từng xảy ra kể từ 65 triệu năm nay.”
Lịch sử Trái Đất với chiều dài 4 tỷ năm là vô cùng phức tạp, cứ như thể đó là một thứ riêng biệt, tạo thành một cái khung, ít chịu ảnh hưởng bởi những hoạt động của con người. Chúng ta có xu hướng tách biệt những cái gì thuộc về lịch sử con người, thuộc về văn hóa, xã hội, với thời gian tính riêng biệt, với logic riêng biệt, với tính nhân quả riêng. Chúng ta có thể nói đến sự tách biệt giữa khoa học cứng, khoa học về tự nhiên, và khoa học về xã hội và con người ra đời từ sự phân chia ranh giới này. Thuộc về các khoa học cứng là thời gian dài, với các quy luật cứng nhắc của tự nhiên; còn thuộc về các khoa học xã hội và con người là sự quan sát các quá trình, nhờ đó con người thoát khỏi tự nhiên và chinh phục tự do cho mình, với việc giải thoát khỏi những quy định trói buộc của quy luật tự nhiên, bằng cách thống trị tự nhiên.
Rừng nguyên sinh còn nhiều trước thời đại Công nghiệp hóa
Thuật ngữ Kỷ nguyên Nhân sinh mới là do nhà khoa học Hà Lan Paul Crutzen, giải thưởng Nobel Hóa học (1995) đề xuất, để nói về sự gặp gỡ giữa lịch sử con người với lịch sử Trái Đất, vào thời điểm cách đây hơn 2 thế kỷ, khi một nền công nghiệp mới xuất hiện tại Châu Âu, với đặc điểm nổi bật là việc khai thác ồ ạt các nguồn tài nguyên trên Trái Đất. Với quan niệm về Kỷ nguyên Nhân sinh mới, kể từ đây, chúng ta khó có thể xem lịch sử Trái Đất và lịch sử con người như là hai dòng lịch sử tách biệt nhau.
Trước Kỷ nguyên Nhân sinh mới, là Kỷ nguyên địa chất học mang tên "Thế Toàn Tân" (Holocène), kéo dài khoảng 11.500 năm. Sự khác biệt của Kỷ Nhân sinh mới so với Thế Toàn tân trước đó là khí hậu ngày nay biến động rất nhanh, những biến chuyển khó lường được so với khí hậu tương đối ổn định trước đây.
Kỷ Nhân sinh bắt đầu từ 5.000 năm trước hay 2 thế kỷ trước?
Trong số những nhà khoa học tán đồng quan niệm về Kỷ Nhân sinh, cũng có một ý kiến khác là Kỷ nguyên Nhân sinh mới này phải bắt đầu từ cách đây 5.000 năm (chứ không phải cách đây hai thế kỷ), bắt đầu khi xuất hiện những nền nông nghiệp đầu tiên, các hoạt động canh tác quy mô lớn, việc phá rừng… từ đó bắt đầu sinh ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính, làm chậm lại thời kỳ băng hà mới.
Tuy nhiên, theo nhà sử học Christophe Bonneuil, Kỷ Nhân sinh mới phải bắt đầu chậm hơn rất nhiều, bởi thời kỳ cách đây 5.000 năm cho đến trước đây hai thế kỷ, khí hậu Trái Đất rất ổn định. Vào thời điểm này, theo nhiều nghiên cứu các hoạt động của con người tham gia vào sự ổn định của khí hậu. Sự chuyển đổi lớn lao chỉ bắt đầu từ cuộc cách mạng Công nghiệp, vào thời điểm con người bắt đầu sử dụng than đá. Việc dùng than làm năng lượng có một tác động hết sức to lớn.
Tiếp đó, kể từ sau Thế chiến II, việc sử dụng một cách phổ biến dầu lửa, sự phát triển của xã hội sản xuất và tiêu thụ hướng đến đại chúng, và sự phổ biến toàn cầu của mô hình phát triển phương Tây đã khiến sự sống trên Trái Đất thay đổi một cách triệt để.
Các kịch bản biến đổi khí hậu và niềm tin "địa-công nghệ"
Các nhà khoa học nhìn chung có thể đóng góp được gì trong hoàn cảnh hiện nay, khi tác động của con người đến môi trường trên rất nhiều lĩnh vực đã vượt quá khả năng kiểm soát. Góp tiếng nói về vai trò của khoa học trước các thách thức môi trường, nhà nghiên cứu Christophe Cassou, thành viên của GIEC, nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu giải thích: Cương vị của các nhà khoa học khá phức tạp, họ không phải là người đưa ra giải pháp. Trái lại, họ chỉ đưa ra các báo động đỏ khi cần thiết. Vai trò của chúng tôi là ở đó: cung cấp các thông tin đầy đủ và đáng tin cậy nhất cho các chính trị gia, những người đưa ra các quyết sách cho các chính phủ.
Chúng tôi nhấn mạnh là có nhiều kịch bản cho khí hậu cho đến cuối thế kỷ này. Có nghĩa là chúng ta có thể chọn lựa ngay từ bây giờ khí hậu mà chúng ta muốn và bắt đầu ngay lúc này việc giới hạn lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tương lai của chúng ta phụ thuộc vào các quyết định sẽ được đưa ra trong từ 10 đến 20 năm tới. Cần lưu ý đến quán tính của khí hậu, khí hậu có thể được coi như một con tàu, một khi đã khởi hành và đạt đến một tốc độ nhất định, thì khó mà dừng nó lại ngay.
Christophe Bonneuil rất đồng tình với quan điểm trên và nói thêm: Bất hạnh thay có những nhà khoa học có liên hệ về quyền lợi với giới công nghiệp. Họ khẳng định như là có thể đưa ra được các giải pháp cứu nguy được hành tinh với “géo-ingénierie” (địa-công nghệ), tức các kỹ thuật tác động đến khí hậu trên quy mô toàn cầu, với lời hứa hẹn rằng : Chúng ta không cần thay đổi lối sống của mình, không cần đặt dấu hỏi về chủ nghĩa tiêu thụ của chúng ta sẽ có các giải pháp kỹ thuật cho vấn đề này. Bao giờ cũng có những người như Bill Gates hay các tập đoàn công nghiệp lớn đầu tư vào các kỹ thuật này.
Niềm tin thế kỷ XVII : Con người thừa khả năng quản trị Thiên nhiên
Những nghiên cứu về lịch sử Kỷ Nhân sinh mới cho thấy vấn đề tác động của con người đến môi trường đã được đặt ra từ đầu của quá trình công nghiệp hóa. Tuy nhiên, vào thời điểm đó phổ biến một cái nhìn một chiều và một thái độ hết sức lạc quan, ông Christophe Bonneuil phân tích: Lịch sử của Kỷ Nhân sinh cũng là lịch sử của niềm tin và những lời hứa hẹn rằng con người có khả năng làm chủ được Thiên nhiên. Ví dụ vào thế kỷ XVIII đã xảy ra cuộc khủng hoảng rừng. Rừng bị khai thác vì nhu cầu lấy gỗ cho các hoạt động công nghiệp. Lúc này đã xuất hiện khái niệm “nachhaltigkeit” (tính bền vững) trong một chuyên luận của một tác giả người Đức về kinh tế rừng vào năm 1713. Người ta đã tin tưởng rằng có thể quản lý được rừng với tư cách một nhà tư bản giỏi, dựa trên quan niệm rừng là một nơi dự trữ gỗ, mà không tính đến các chức năng quan trọng khác của rừng như: điều tiết lượng nước mưa, điều chỉnh các dòng chảyc, bảo vệ đất chống xói mòn.
Tiếp sau đó, người ta lại quản lý hành tinh Xanh với chủ trương phát triển các vùng canh tác lớn và lên án các sắc dân bản địa là không có khả năng quản lý một cách tối ưu đối với thế giới tự nhiên, mà chỉ là những người săn bắt hái lượm, du canh du cư, đốt rừng…
Con người là chúa tể của Thiên nhiên: Những cảnh báo và kháng cự đầu tiên
Giải thích rõ hơn về nguồn gốc sâu xa của quan niệm biện minh cho cuộc cách mạng công nghiệp hóa, coi việc khai thác triệt để các nguồn tài nguyên của môi trường làm tôn chỉ, Bonneuil nói: Một trong các nhà tư tưởng của xã hội công nghiệp đầu thế kỷ XIX, Saint Simon (1760-1825), đã nói một cách rõ ràng trong những năm 1820 rằng: “Đối tượng của công nghiệp là khai thác hành tinh này”. Có nghĩa là chiếm hữu các phẩm vật trong tự nhiên phục vụ cho nhu cầu của con người. Thực hiện mục tiêu này, con người thay đổi hành tinh, đồng thời thay đổi một cách triệt để các điều kiện tồn tại của mình.
Từ đó, con người tham gia vào việc thể hiện dần dần “bản thể thần thánh”. Saint Simon nói: Vai trò của chúng ta là đi vào thế giới công nghiệp để biến đổi hành tinh và trở thành Chúa trời.” Đó là ý thức hệ của chủ trương công nghiệp hóa, mà chúng ta hoàn toàn sống trong đó từ hai thế kỷ nay.
Tuy nhiên, cũng trong thời kỳ ban đầu này, đã xuất hiện những hình thức phản kháng lại chủ trương công nghiệp hóa, lấy Thiên nhiên làm đối tượng khai thác. Charles Fourier (1772-1837), một trong những nhà tiền bối của tư tưởng xã hội chủ nghĩa đã trả lời Saint Simon, trong tác phẩm mang tên “Sự xuống cấp về vật chất của hành tinh” (Dégradation matérielle de la planète), rằng có một ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến các quá trình tự nhiên, điều này gắn liền với chủ nghĩa tư bản công nghiệp, với sự thống trị của lợi ích cá nhân so với ích tập thể. Và, theo ông, người ta không giải quyết được vấn đề này với các biện pháp vặt vãnh, qua việc ngừng khai thác rừng chẳng hạn, mà phải thay đổi toàn bộ hệ thống, trong đó có sự thử nghiệm hệ thống mới như “đoàn thể cộng đồng xã hội” (phalanstère), những hình thức đầu tiên của chủ nghĩa xã hội. Đây là một đề nghị vừa mang tính sinh thái, vừa mang tính xã hội.
Tác giả cuốn Kỷ Nhân sinh mới gọi đó là “những cảnh báo” đầu tiên. Các phản kháng chống lại thế giới công nghiệp mang đủ hình dạng khác nhau, có thể về mặt khoa học, hay các phản ứng của giới thợ thủ công, không chấp nhận tham gia vào nền công nghiệp, phong trào phá hủy máy móc…, có thể là sự phản đối của các quý tộc, các cư dân sống bên lề các nhà máy… Cuối thế kỷ XIX có sự phê phán rất mạnh trên phương diện sinh thái, mà bây giờ ta có xu hướng quên đi. Hay sau Thế chiến II, có nhiều tiếng nói cảnh báo rằng Trái Đất là một tổng thể, cần phải có một sự quản lý mang tính trí tuệ đối với môi trường mang tính toàn cầu này.
Quân sự : Ba hệ quả với môi trường/khí hậu
Một điều được nhiều người ghi nhận là, trong suốt hai thế kỷ đầu tiên của Kỷ Nhân sinh mới, rất nhiều phản kháng chống lại làn sóng công nghiệp hóa khai thác triệt để các tài nguyên trên Trái Đất, đã bị thất bại. Để hiểu về sức mạnh của làn sóng công nghiệp hóa trong Kỷ Nhân sinh mới, đồng tác giả cuốn sách, nhà sử học Jean-Baptiste Fressoz, lưu ý đến vai trò trung tâm của quân đội trong quá trình này:
Khi chúng ta quan tâm đến việc loài người đi vào Kỷ Nhân sinh, chắc chắn đấy không phải là con người nói chung, mà một số tổ chức, định chế, một số dân tộc, … Trong số các định chế này, quân đội có vai trò rất quan trọng, vai trò trung tâm trong Kỷ nguyên Nhân sinh mới.
Hệ quả thứ nhất: Hiển nhiên là, trên các chiến trường, có sự phá hủy môi trường thiên nhiên rất lớn, điều này được biết rất rõ. Lấy ví dụ chiến tranh Việt Nam, 30% rừng bị mất, một phần do chất độc màu da cam mà người Mỹ sử dụng.
Hệ quả thứ hai: Có quan niệm cho rằng, sau khi đã biết được cách tiêu diệt con người, ta có thể biết cách tiêu diệt các sinh vật nói chung. Có một mối liên hệ rất mật thiết giữa các công nghệ quân sự với công nghịệp chế biến thuốc trừ sâu. Theo một số công trình nghiên cứu, các hóa chất được sử dụng trong hai trường hợp là hoàn toàn giống nhau. Trong nhiều trường hợp, công nghiệp thuốc trừ sâu là xuất phát từ công nghiệp vũ khí hóa học. Mục tiêu của công nghiệp thuốc trừ sâu không phải là chống lại côn trùng (có hại), mà là tiêu diệt chúng hoàn toàn. Thuật ngữ “tiêu diệt hoàn toàn” được sử dụng trong chiến tranh, nay được sử dụng để chỉ việc tiêu diệt các sinh vật.
Hệ quả thứ ba : Mối liên hệ thứ ba có phần tinh tế hơn và có thể quan trọng hơn, đó là mối liên hệ giữa các kỹ thuật quân sự và mức tiêu thụ năng lượng gia tăng. Thật là ấn tượng khi quan sát thấy các phương tiện quân sự của thế kỷ XX tiêu thụ một khối lượng nhiên liệu khổng lồ như thế nào. Biểu đồ lịch sử về tiêu thụ năng lượng cho thấy lượng dầu lửa được tiêu thụ tăng vọt trong thời gian chiến tranh. Theo tôi, trong lĩnh vực này cần phải đặt lại chiến tranh vào trung tâm của Lịch sử.
Chia sẻ :